Ngành nước sạch Việt Nam: Đổi mới để bắt kịp tốc độ đô thị hóa
Bên cạnh việc thực hiện đáp ứng nhu cầu nước sạch, ngành nước còn đang đối mặt với thực tế về thoát nước và xử lý nước thải...
Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, ngành nước đang phải đối mặt với nhiều áp lực to lớn trong việc cung cấp các dịch vụ và giải pháp cho lĩnh vực cấp thoát nước, xử lý nước thải và môi trường. Đặc biệt, việc kêu gọi các DN tham gia áp dụng những công nghệ mới, thiết bị và phương án xử lý hiệu quả trong việc hoàn thiện hệ thống cấp thoát nước trên cả nước đang được ngành nước quân tâm.
Ngành nước sạch Việt Nam còn nhiều việc phải làm trước mắt |
Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện tại, 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h, chất lượng dịch vụ và chất lượng nước đã được cải thiện, tổng công suất thiết kế đạt 8,7 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành nước Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Hệ thống cấp nước hiện nay của chúng ta còn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa. Tỷ lệ thất thoát nước còn rất cao và năng lực quản lý còn rất thấp.
Trong khi đó nhu cầu về nước sạch, nhất là tập trung ở các khu đô thị rất lớn. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, nhu cầu nước sạch đến năm 2020 vào khoảng 9,6 triệu m3/ngày đêm. Nhu cầu về tài chính cho cả đầu tư mới, cải tạo mở rộng, quản lý, nâng cao năng lực là khoảng 57 nghìn tỷ đồng. Bình quân mỗi năm cần 14.400 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thực hiện đáp ứng nhu cầu nước sạch, ngành nước còn đang đối mặt với thực tế về thoát nước và xử lý nước thải. Tình trạng ngập úng tại các thành phố lớn diễn ra ngày càng phức tạp, gây khó khăn cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội. Nước thải chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hệ thống còn thiếu đồng bộ...
Theo thống kê, tỷ lệ bao phủ mạng lưới thoát nước, thu gom, xử lý nước thải đạt 65%. Số lượng nhà máy đã đi vào hoạt động là 41 nhà máy với công suất hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm. Dự báo nhu cầu cho đầu tư thoát nước thải đô thị giai đoạn 2017-2020 là 122 nghìn tỷ đồng.
Ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, hiện nay những thách thức, khó khăn của ngành nước phải đối mặt là không nhỏ: dân số đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu đầu tư lớn song ngân sách hạn hẹp; Cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho DN; Thiếu những hướng dẫn cụ thể về chính sách thu hút nguồn lực đầu tư khối tư nhân.
Cùng với đó, giá nước, giá dịch vụ thoát nước cũng còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; Năng lực quản lý ở các cấp độ còn nhiều hạn chế; Ô nhiễm nguồn nước, những tác động của biến đổi khí hậu gây khó khăn lớn cho ngành nước; Nhận thức cộng đồng còn nhiều hạn chế cả trong quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước.
Trước bối cảnh đó, nhiều DN ngành này cũng đã tập trung quan tâm hơn việc đổi mới quản trị, tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới nên đã có những bước đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, để các DN thực sự phát huy được hiệu quả thì cần phải có nhiều thay đổi.
Theo ông Cao Lại Quang, hiện tại ngành nước cần phải thực hiện một số giải pháp đổi mới căn bản. Trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các định mức kinh tế kỹ thuật như đề xuất sửa Nghị định 117, Luật Cấp nước sạch…
Bên cạnh đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho DN; Thúc đẩy triển khai đầu tư các dự án theo hình thức PPP; Rà soát các quy hoạch, thoát nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; Thúc đẩy sự tiếp cận và vào cuộc của DN trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Song song với đó là tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của các nước phát triển có công nghệ tiên tiến, hiện đại; Tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nước.
Được biết, từ ngày 7 - 9/11/2018, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) Hội Cấp thoát nước Việt Nam sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế hàng đầu về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam (Vietwater).
Có thể nói Vietwater đã trở thành sự kiện uy tín thường niên, mang đến cho khách tham quan cơ hội tiếp cận với các công nghệ, thiết bị và phương án xử lý hiệu quả của ngành cấp thoát nước và xử lý nước thải hàng đầu tại Việt Nam. Dự kiến, triển lãm năm nay có thêm 13 nhóm gian hàng quốc tế đến từ các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Bỉ, Phần Lan, Đức, Úc, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc, Đài Loan và Singapore tham gia triển lãm.
Nét mới tại Vietwater 2018 là giới thiệu thêm mảng công nghệ xử lý chất thải và môi trường, với kỳ vọng mang đến nhiều hơn những sản phẩm công nghệ và thiết bị ứng dụng trong ngành xử lý chất thải và môi trường như công nghệ đốt rác phát điện của JFE từ Nhật, công nghệ sản xuất năng lượng bền vững từ chất thải của BMH từ Phần Lan, công nghệ khí hóa hỗn hợp đa nhiên liệu phát điện, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt…
Bên lề của triển lãm sẽ diễn ra hội thảo quốc tế Vietwater2018 với chủ đề: “Ngành nước Việt Nam với cuộc CMCN 4.0”, ông Quang cho biết thêm.